Một số khó khăn, bất cập khi áp dụng Bộ tiêu chuẩn ngành 06 – 07 – 08 BGTVT
Triển khai thực hiện Quyết định số 1072/QĐ- ĐS ngày 29/7/2016 của Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN “Quy định kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt”. Vừa qua, Ban An toàn GTĐS - Tổng công ty ĐSVN đã đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại một số Chi nhánh Khai thác ĐS thuộc Tổng công ty ĐSVN. Qua công tác kiểm tra tại hiện trường, một số đơn vị đã có phản ánh về một số khó khăn, bất cập khi áp dụng, thực hiện Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu ĐS (QCVN 06: 2011/BGTVT), Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chạy tàu và công tác dồn ĐS (QCVN 07: 2011/BGTVT) và Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác ĐS (QCVN 08: 2015/BGTVT).
Cụ thể:
Điều 12 - QCVN 07: 2011 quy định: Mỗi lần hư hỏng về đường, ghi, thiết bị TTTH chạy tàu, TBCT ga phải ghi vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu và báo cho nhân viên phụ trách sửa chữa sở tại (cung cầu, đường, TTTH). Ngoài ra, nếu hư hỏng có ảnh hưởng đến chạy tàu, TBCT ga còn phải báo cho nhân viên Điều độ chạy tàu (ĐĐCT). Khi sửa chữa xong, TBCT ga và nhân viên sửa chữa phải cùng xác nhận trạng thái và hoạt động tốt của thiết bị vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu mới được sử dụng lại.
Điều 37 - 07: 2011: Sau khi đã làm thủ tục đóng đường gửi tàu, nếu xét thấy tàu không chạy được trong 20 phút hoặc cần cho tàu khác chạy thì giải quyết như sau: TBCT 2 ga phải ghi việc huỷ bỏ thủ tục đóng đường vào sổ Nhật ký chạy tàu và Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu.
Điều 158 - 07: 2011 có ghi: Việc kiểm tra, bảo dưỡng đường, ghi, thiết bị TTTH có liên quan đến chạy tàu và dồn dịch trong ga, nhân viên phụ trách các công việc trên phải ghi nội dung công tác và thời gian tiến hành vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu. TBCT ga sau khi chấp nhận việc kiểm tra, bảo dưỡng phải thông báo cho các nhân viên liên quan trong ga biết những biện pháp cần thi hành trong thời gian tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng để đảm bảo ATCT. Sau khi hoàn thành công tác, người phụ trách kiểm tra, bảo dưỡng phải cùng với nhân viên quản lý, sử dụng thiết bị thử lại, xác nhận chất lượng tốt và ghi vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu để báo cho TBCT ga việc kết thúc công tác (nếu địa điểm công tác cách xa phòng TBCT ga có thể báo bằng điện thoại rồi ghi sổ sau)… Có thể nhận thấy, trong QCVN 07: 2011 có nhiều trường hợp quy định bắt buộc các nhân viên ga liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu hoặc phục vụ chạy tàu (TBCT ga, điện vụ, nhân viên cung ĐS…) phải ghi Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu khi thi công, thay đổi biện pháp đóng đường, sửa chữa máy đóng đường… nhưng trong phần phụ bản QCVN 07: 2011 lại không có mẫu Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu nên các đơn vị, các ga ĐS phải tự thiết kế mẫu Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu. Điều này (không có mẫu sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu) dẫn tới không thống nhất trong việc ghi chép, sử dụng ấn chỉ tại các ga. Ngoài ra, việc không có mẫu Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu còn gây khó khăn cho nhân viên ga, cung ĐS khi tác nghiệp, làm việc và khó khăn cho cơ quan chức năng khi cần kiểm tra, điều tra sự cố, tai nạn ĐS…
Điều 83 - 07:2011 quy định: Mỗi ga phải có Sổ Biên bản điện tín chạy tàu (theo mẫu số 14 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) dành riêng cho mỗi khu gian. Những điện tín gửi và nhận phải đăng ký vào Sổ Biên bản điện tín chạy tàu liên tiếp nhau và đánh số thứ tự từ 1 kể từ 0 giờ mỗi ngày…
Điều 84 - 07:2011. Mỗi khi nhận ban, TBCT ga phải viết họ tên và ký vào Sổ Biên bản điện tín chạy tàu, sau đó báo cho TBCT các ga, trạm tiếp giáp biết họ tên, chức danh để cùng ghi vào Sổ Biên bản điện tín chạy tàu ở các ga, trạm đó. Thực tế, Sổ Biên bản điện tín chạy tàu được sử dụng khi áp dụng phương pháp đóng đường bằng điện tín. Áp dụng khi phải chuyển đổi phương pháp đóng đường cơ bản (đóng đường tự động, đóng đường bán tự động, đóng đường bằng thẻ đường) bị hỏng, phải đình chỉ sử dụng, sửa chữa… Việc áp dụng phương pháp đóng đường bằng điện tín ở hiện trường không thường xuyên, chỉ là phương pháp thay thế. Tuy nhiên, theo ý kiến phản ánh của một số TBCT ga, điều độ ga, giám sát an toàn… Việc yêu cầu mỗi khi nhận ban (còn gọi là lên ban), TBCT ga phải viết họ tên và ký vào Sổ Biên bản điện tín chạy tàu, sau đó báo cho TBCT các ga, trạm tiếp giáp biết họ tên, chức danh để cùng ghi vào Sổ Biên bản điện tín chạy tàu ở các ga (hoặc trạm) đó là máy móc, lặp lại, gây mất nhiều thời gian, thêm tác nghiệp cho TBCT ga. Được biết, theo quy định, khi lên ban (nhận ban), TBCT ga phải ghi tên, chức danh vào sổ Nhật ký chạy tàu và gọi điện, báo tên, chức danh cho TBCT 2 ga, trạm tiếp giáp. Đồng thời phải báo cho nhân viên Điều độ tuyến biết. Như vậy, việc yêu cầu mỗi khi nhận ban, TBCT ga phải viết họ tên và ký vào Sổ Biên bản điện tín chạy tàu, sau đó báo cho TBCT các ga, trạm tiếp giáp biết họ tên, chức danh để cùng ghi vào Sổ Biên bản điện tín chạy tàu ở các ga, trạm đó là việc lặp lại, thêm tác nghiệp. Ngoài ra, việc chuyển (hoặc nhận) một điện tín chỉ bao gồm tên và chức danh của TBCT ga là thừa. Nên quy định, khi áp dụng phương pháp đóng đường bằng điện tín, TBCT ga phải đăng ký vào Sổ Biên bản điện tín chạy tàu liên tiếp nhau và đánh số thứ tự liên tiếp.
Tại điều 4.1.7 QCVN 08: 2015/BGTVTquy định: Giờ tàu chạy thực hiện theo múi giờ Hà Nội, một ngày là 24 giờ được tính từ 18 giờ ngày hôm trước đến 18 giờ ngày hôm sau. Điều 83 - 07:2011 có ghi: Những điện tín gửi và nhận phải đăng ký vào Sổ Biên bản điện tín chạy tàu liên tiếp nhau và đánh số thứ tự từ 1 kể từ 0 giờ mỗi ngày… Thực tế, quy định giờ lên (làm) ban của TBCT ga là 6 giờ sáng hoặc 18 giờ chiều (tuỳ ban làm 12 giờ hoặc 24 giờ). Có thể nhận thấy, quy định đánh số thứ tự từ 1 kể từ 0 giờ mỗi ngày (như quy định trong Sổ Biên bản điện tín chạy tàu) chỉ phù hợp với các đơn vị làm hành chính, làm việc hành chính không theo ban, kíp. Còn quy định những điện tín gửi và nhận phải đánh số thứ tự từ 1 kể từ 0 giờ mỗi ngày theo chế độ làm ban của TBCT ga sẽ phát sinh tình trạng đến (qua) 0 giờ sẽ phải đổi số và trở lại số 1 sẽ không liên tiếp, gây “đứt đoạn” số thứ tự của điện tín gửi (hoặc nhận). Điều này, nên quy định các điện tín gửi và nhận phải đánh số thứ tự liên tục từ số 01 từ 6 giờ hoặc 18 giờ mỗi ngày tuỳ theo chế độ làm ban (làm 12 giờ hoặc 24 giờ) của TBCT ga.
Điều 46 QCVN 06: 2011/BGTVT quy định: Khi phong toả khu gian phải đặt tín hiệu di động báo hiệu ngừng ở gữa lòng đường chính thông ra khu gian phong toả (theo hướng từ trong ga đi ra khu gian) ngang với mũi lưỡi ghi ngoài cùng. Nếu cần dồn dịch thì có thể chuyển vị trí đặt tín hiệu di động báo hiệu ngừng đến đặt ngang với cột tín hiệu vào ga. Tín hiệu di động báo hiệu ngừng phải quay mặt đỏ vào phía trong ga và có gác ghi trông coi.
Tuy nhiên, trong phần phụ bản QCVN 07: 2011/BGTVT quy định mẫu Giấy phép vạch chéo đỏ (dùng cho tàu cứu viện, tàu công trình hoặc tàu khác chạy như tàu cứu viện chạy vào khu gian phong toả) lại ghi: Lái tàu có giấy phép này được cho tàu vượt qua tín hiệu di động ngừng đặt ở ghi ra ga… Điều này, đã mâu thuẫn với quy định ở Điều 46 QCVN 06: 2011/BGTVT vì quy định tín hiệu di động báo hiệu ngừng đặt ở gữa lòng đường chính thông ra khu gian phong toả. Muốn gửi tàu vào khu gian đã phong toả có đặt tín hiệu di động báo hiệu ngừng phải nhấc (bỏ) tín hiệu ra mới cho tàu chạy vào khu gian phong toả được. Nên điều chỉnh là “khi cần cho tàu chạy vào khu gian phong toả, gác ghi phải nhấc (bỏ) tín hiệu di động báo hiệu ngừng ra khỏi ĐS; tàu cứu viện, tàu công trình… chạy qua ghi phải đặt lại tín hiệu di động báo hiệu ngừng ở gữa lòng đường chính thông ra khu gian phong toả”.
Trên đây là một số khó khăn, bất cập trong việc áp dụng, thực hiện Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06: 2011/BGTVT, QCVN 07: 2011/BGTVT và 08: 2015/BGTVT ở hiện trường. Rất mong cơ quan soạn thảo văn bản hiệu chỉnh để hiện trường thực hiện, áp dụng QCVN 06: 2011/BGTVT, QCVN 07: 2011/BGTVT và 08: 2015/BGTVT được thuận lợi, an toàn.
Lê Quang Chính – Ban An toàn GTĐS