Đề nghị xây dựng lại quy định hãm đoàn tàu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
Điều 40 Nghị định số 46 /2016/ NĐ - CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông Đường bộ và Đường sắt” quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 triệu đồng đối với nhân viên điều độ chạy tàu, trực ban chạy tàu ga thực hiện hành vi lập tàu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác ĐS.
Ngày 20/4/2015, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 12/2015/TT- BGTVT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác ĐS (QCVN 08: 2015/BGTVT). Theo đó, QCVN 08: 2015/BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2015. Triển khai thực hiện QCVN 08: 2015/BGTVT, từ tháng 10/2015, các đơn vị, chi nhánh khai thác ĐS, chi nhánh xí nghiệp đầu máy, chi nhánh xí nghiệp vận dụng, sửa chữa toa xe… trong Tổng công ty ĐSVN đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn, quy định trong QCVN 08: 2015/BGTVT.
Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng một số quy định, điều, khoản… của QCVN 08: 2015/BGTVT ở hiện trường đã phát sinh một số khó khăn, bất cập… gây khó khăn trong công tác tổ chức chạy tàu, tính hãm đoàn tàu… vì văn bản “dưới luật” vênh với Quy chuẩn, xin dẫn ra đây trường hợp quy định về tính hãm, lập giấy chứng nhận tác dụng hãm, lập tàu: Hiện nay, tại các ga ĐS, các trạm khám chữa toa xe (KCTX)… vẫn đang áp dụng Quyết định số 1201/QĐ-ĐS ngày 19/9/2006 (QĐ1201/QĐ-ĐS) của Tổng công ty ĐSVN “Quy định một số tiêu chuẩn về hãm toa xe và đoàn tàu” để kiểm tra tác dụng hãm của các toa xe, thử hãm, tính hãm…
Theo ý kiến phản ánh của một số Trực ban chạy tàu (TBCT) ga, công nhân KCTX, lái tàu… Một số điều khoản của QĐ1201/QĐ-ĐS không đúng với quy định của QCVN 08: 2015/BGTVT, cụ thể: Điểm 3.4 QĐ1201/QĐ-ĐS có ghi: Các đoàn tàu trước khi khởi hành tại ga lập tàu, Trực ban chạy tàu ga (TBCT) ga phải lập giấy chứng nhận tác dụng hãm đoàn tàu (theo mẫu số 17 Quy trình chạy tàu và công tác dồn ĐS), các nhân viên liên quan cùng ký xác nhận… Giấy chứng nhận tác dụng hãm lập thành 3 bản, 1 bản lưu tại ga, 1 bản giao cho lái tàu của đầu máy chính, 1 bản giao cho trưởng tàu phụ trách an toàn của đoàn tàu. Nhưng tại phần Các phụ bản, tại mẫu số 17 Quy trình chạy tàu và công tác dồn ĐS chỉ quy định Giấy chứng nhận tác dụng hãm lập thành 2 bản, 1 bản lưu tại ga (bản tồn căn), 1 bản giao cho lái tàu.
Tại văn bản 2739/ĐS – ĐMTX ngày 8/12/2006 điều chỉnh một số điểm của QĐ1201/QĐ-ĐS có ghi: Trường hợp dọc đường hãm tự động của một số toa xe trong đoàn tàu bị hỏng không có điều kiện sửa chữa nhưng ống gió chính vẫn thông giải quyết như sau: Tàu hàng chỉ được khoá hãm không quá 10 trục liền nhau (1 toa xe Mc 6 trục và 1 toa xe 2 giá chuyển hướng 4 trục) hoặc không quá 8 trục hỏng hãm liền nhau (2 toa xe 2 giá chuyển) trước toa xe có hãm tự động tốt, cuối đoàn tàu không quá 6 trục khoá hãm (1 toa xe Mc 3 giá chuyển hướng 6 trục) hoặc không quá 4 trục khoá hãm (1 toa xe 2 giá chuyển hướng) liền nhau trước toa xe cuối cùng có hãm tự động tốt.
Tuy nhiên, tại mục 4.3.8.4 QCVN 08: 2015/BGTVT quy định: Trong tàu hàng, những toa xe chở loại hàng cần đóng hãm tự động hoặc những toa xe mà hãm tự động hỏng không có điều kiện sửa chữa ngay, nhưng ống gió chính vẫn thông, không được nối liền quá 8 trục. Nếu nối ở phía đuôi tàu thì không được nối quá 4 trục liền trước toa xe cuối cùng có hãm gió tốt (sát toa trưởng tàu nếu có toa trưởng tàu). Như vậy, quy định về việc khóa hãm, lập tàu tại QCVN 08: 2015/BGTVT và QĐ1201/QĐ-ĐS đã “vênh” nhau, không thống nhất.
Được biết, tại mục 4.3.10.7 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác ĐS (QCVN 08: 2015/BGTVT) có ghi: Nội dung cụ thể về thử hãm, thời gian thử hãm (thử hãm toàn bộ giữ thời gian), chức danh đảm nhiệm công việc và ghi chép giấy xác nhận tác dụng hãm do Người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng ĐS quyết định. Để đảm bảo việc thử hãm, tính hãm, lập tàu tại hiện trường đúng quy định; đề nghị cơ quan soạn thảo văn bản xây dựng, ban hành quy định quy định về thử hãm, tính hãm, các ga có quy định thử hãm toàn bộ giữ thời gian, quy định lập tàu…trên ĐS quốc gia theo đúng quy định trong QCVN 08: 2015/BGTVT. Còn như hiện nay, thực hiện các văn bản, quy định “dưới luật” nhưng không đúng quy định đã gây tranh chấp, trở ngại, chậm tàu… là vi phạm Nghị định số 46 /2016/ NĐ – CP.
Lê Chính
Ban An toàn GTĐS - Tổng công ty ĐSVN